Ứng dụng công nghệ số tại các cửa khẩu
Cùng với đó, Cục Hải quan Quảng Ninh triển khai hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM) tại hai cảng biển, 23 kho ngoại quan và một địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2022, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai thực hiện phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp tại địa chỉ: https://e-declaration.customs.gov.vn:8443. Đây là phần mềm thay thế phần mềm miễn phí triển khai theo hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS từ năm 2014 và được triển khai trên nền tảng web, cài đặt tập trung tại Tổng cục Hải quan. Doanh nghiệp chỉ cần có thiết bị kết nối internet là có thể truy cập để khai hải quan, giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư máy móc, trang, thiết bị, chi phí bản quyền phần mềm, đồng thời phần mềm mới giúp doanh nghiệp, người dân sớm tiếp cận và có sự chủ động với những thay đổi của ngành hải quan khi thực hiện hệ thống hải quan số và mô hình hải quan thông minh.
Ông Phạm Tuấn Hoàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hữu nghị Xuân Cương (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ bến bãi, sang tải tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đơn vị nhận thấy việc đưa Nền tảng cửa khẩu số vào triển khai giúp xác nhận thông tin nhanh hơn, từ đó sang tải nhanh hơn. Hiện công ty đã lắp đặt và liên thông hệ thống camera giám sát với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để phục vụ tốt hơn công tác xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp sẽ biết hàng hóa, phương tiện đang ở đâu, đã được xử lý ra sao...
Khi áp dụng Nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin một lần, các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê. Với khoảng 700 nghìn lượt xe ra, vào cửa khẩu mỗi năm, Nền tảng cửa khẩu số đã đem lại lợi ích to lớn khi giảm đến mức thấp nhất công việc, chi phí thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp so với trước đây. Trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng Nền tảng cửa khẩu số hạn chế được việc tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch cho các cán bộ tác nghiệp tại cửa khẩu.
Do đó, cùng với việc triển khai, các bộ phận liên quan của tỉnh Lạng Sơn đang từng bước khắc phục những bất cập, để sau khi kết thúc thí điểm vào cuối tháng 6/2022 có thể triển khai chính thức nền tảng này tại các cửa khẩu còn lại trên địa bàn tỉnh, tạo thêm thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế số của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh miền núi biên giới này.
HƯƠNG TRÁNG và HỒNG THỌ